Rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại môi trường, mà còn gây ảnh hưởng lớn lên kinh tế và sức khỏe con người.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn 33 lần so với các dự đoán trước đây.
Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.
Đồng thời, trong nhóm các quốc gia phát triển thì chỉ có Mỹ là nằm trong top 20 với khoảng 77,000 tấn, tương đương gần 1% tổng số rác thải nhựa đổ ra biển.
Như vậy, có thể thấy rằng quy mô kinh tế và mức độ tiêu dùng chỉ là một phần yếu tố quyết định mức độ gây ô nhiễm biển. Điểm quan trọng nhất ở đây chính là việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải, điều mà các quốc gia đang phát triển thường hay bỏ ngỏ. Trong khi đó, lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á đang được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025.
Cái giá của ô nhiễm
Có một điều hết sức đáng sợ là khi đã lọt ra biển thì rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Vì thế, có tới hơn 90% lượng rác trôi nổi trên mặt biển là rác thải nhựa. Theo kịch bản xấu nhất mà tổ chức bảo tồn Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025 trên các đại dương khắp thế giới cứ có 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.
Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, một bản báo cáo của khối APEC đã cho thấy rác thải biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
Về phương diện sức khỏe, các nghiên cứu y khoa đã cho thấy một khi các loài cá ăn phải các hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc phải bệnh gan và chết nhanh hơn bình thường. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do các hạt nhựa thường chứa các chất độc hại như hợp chất chống cháy và PCB.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy có tới 28% số cá được bán trong các chợ ở Indonesia và 25% số cá trong các siêu thị ở California (Mỹ) có chứa rác thải bên trong cơ thể. Và một khi con người ăn vào các loại cá như vậy, thật không khó để hình dung tác hại ghê gớm và lâu dài lên sức khỏe.
Cần phải hành động ngay từ hôm nay
Theo báo cáo của Ocean Conservancy và McKinsey, nếu 5 quốc gia đang dẫn đầu về việc xả rác thải nhựa ra biển bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước này có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025, từ đó làm giảm tới 45% tổng lượng rác thải toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam có thể bắt đầu khắc phục vấn đề xả rác thải nhựa ra biển bằng cách tăng cường đầu tư cho 4 giải pháp: mở rộng mạng lưới thu gom rác, giảm thiểu việc rò rỉ từ các bãi rác, đốt rác để sản xuất điện và sau cùng là xây dựng các cơ sở tái chế.
Hiện tại, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ thu gom chất thải rắn khá cao tại các đô thị (từ hơn 80% tới gần 100%). Tuy nhiên, tại các khu vực ngoại thành và nông thôn, nơi hơn 2/3 dân số Việt Nam đang sinh sống, thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn (từ 40 tới 60%). Việc phát triển mạng lưới thu gom tại những khu vực này, cũng như quản lý hiệu quả các bãi rác, chắc chắn sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải xả ra các kênh và sông rồi từ đó trôi ra biển.
Ngoài ra, việc đốt rác nhựa để sản xuất năng lượng cũng được Ocean Conservancy và McKinsey đánh giá là một giải pháp hợp lý về mặt kinh tế cho Việt Nam, nếu như sử dụng các công nghệ đốt rác tiên tiến bảo đảm được các tiêu chuẩn về an toàn khí thải. Theo đó, rác thải nhựa có thể trở thành một nguồn nhiên liệu thay thế cho than đá trong ngành công nghiệp xi măng. Điều này có thể làm giảm bớt gánh nặng năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu phải nhập khẩu than.
iFarm là trang trại kinh doanh DỊCH VỤ MẢNH VƯỜN - trồng rau theo yêu cầu.
Khách chọn các loại rau yêu thích, trang trại gieo trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học. Cuối tuần, khách có thể đến vườn thu hoạch, câu cá, thả diều..., trải nghiệm cuộc sống nhà nông.